Lý do mà xác sống là một trong những thể loại kinh dị thỏa mãn được nhiều khán giả đa phần là bởi tính giải trí của nó khá cao, thậm chí còn khá dễ rẽ hướng sang phim hài.
World War Z (2013)
Gerry Lane là một cựu nhân viên đẹp trai phong trần của Liên Hợp Quốc. Một ngày nọ, anh cùng gia đình bị kẹt xe trên đường phố New York. Anh biết có gì đó không bình thường khi trực thăng xuất hiện nhiều trên bầu trời.
Một loại virus không rõ nguồn gốc lan tỏa với tốc độ chóng mặt, biến những người khỏe mạnh trở thành một loài sinh vật khát máu, tàn sát lẫn nhau. Số người nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân mỗi ngày và nhanh chóng trở thành một đại họa toàn cầu.
Gerry buộc phải để lại vợ con mình trên tàu cứu sinh và tham gia vào cuộc hành trình đi tìm nguồn gốc cũng như phương thức tiêu diệt căn bệnh bí hiểm kia.
I Am Legend (2007)
Tôi là huyền thoại – một cái tên nghe qua đã cảm thấy hơi nóng trong người. Đủ mạnh mẽ để bắt đầu một câu chuyện về một nhân vật anh hùng, đơn thương độc mã chống lại bầy xác sống.
Nhà làm phim đã gặt hái được thành quả khi vun đắp nên hình tượng một vị “thánh” thực thụ trong dòng phim đầy máu me này. Và người anh hùng đó do siêu sao da màu Will Smith thủ vai.
Dù đơn độc nhưng cũng khá may mắn khi Robert có một con chó làm bạn đồng hành, một tình tiết thú vị nhưng cũng hết sức cảm động trong phim. Cũng may mắn hơn một chút so với Chuck Nolan bên Cast Away, khi mà Robert không phải tâm sự với một… quả bóng chuyền.
Ngoài vai trò là thợ săn zombie, trước khi tận thế xảy ra, anh từng là một nhà khoa học. Đêm đến, khi bè lũ xác sống tung hoành khắp thành phố thì cũng là lúc Robert lọ mọ trong phòng thí nghiệm dưới tầng hầm của mình. Anh tự giao cho mình nhiệm vụ tìm ra lời giải cho căn bệnh bí ẩn.
Trong số tất cả các nhân vật chính trong phim về xác sống, Robert Neville nổi trội bởi tính cách nhân vật kết hợp với những pha hành động hết sức đàn ông. Will Smith thực sự đã có một màn độc diễn đi vào lòng người.
Chưa dừng lại ở đó, phim được xây dựng tới… hai cái kết. Một cái hiện ra rành rành, một cái lại hết sức ảo diệu và khó chấp nhận. Cũng may là cái thứ hai đã không được sử dụng trong bản phim chính thức. Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy nó trên Youtube.
28 Days Later (2002) & 28 Weeks Later (2007)
Nhìn chung cả hai tác phẩm này đều lấy cùng một bối cảnh, đó là hai mốc thời gian sau khi đại dịch zombie bùng nổ. Vậy nên ở một khía cạnh nào đó bạn cũng có thể coi 28 Weeks là phần sau của 28 Days, mặc dù chúng sở hữu dàn diễn viên hoàn toàn khác nhau và cũng chẳng có tình tiết móc nối nào.
28 Days Later mở màn bằng sự kiện một mầm bệnh từ loài khỉ vô tình lây lan sang con người tại một phòng thí nghiệm nào đó. Chỉ 28 ngày sau, thành phố giờ đây không khác gì mùng 1 tết. Thế mới thấy sức tàn phá của xác sống kinh khủng thế nào nếu xảy ra ngoài đời thực.
28 Weeks Later thì các nhân vật bớt đơn độc hơn, khi mà chính phủ đã vào cuộc và thành lập ra hẳn một khu cách ly với thế giới bên ngoài. Các chiến sĩ được trang bị đến tận chân răng, luôn trong trạng thái sẵn sàng nã đạn rỗ hết mặt bất cứ con zombie nào.
Cả hai tác phẩm đều thành công khi không chỉ xây dựng nên một thế giới rùng rợn, đó còn là nội tâm của các nhân vật, là cái cách mà con người đối xử với nhau khi thế giới đã đi đến ngày tàn.
Shaun Of The Dead (2004)
Nhân vật chính trong phim là một nhân viên thu ngân siêu thị – Shaun. Anh có thói quen đàn đúm cùng bạn bè và cô bạn gái. Bạn thân của Shaun là anh chàng thất nghiệp lười nhác Edgar.
Cho tới một ngày, xác sống ập tới thành phố London xinh đẹp. Thảm họa của nhân loại lại là cơ hội cho Shaun giành lại trái tim cô bạn gái, “lấy điểm” với đám bạn bè và hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với mẹ đẻ.
REC (2007)
Mặc dù tác phẩm Tây Ban Nha này không nổi đình nổi đám như những cái tên bên trên nhưng REC là bộ phim khiến fans kinh dị phải tâm đắc.
Nếu để ý một chút bạn sẽ thấy kí hiệu “REC ???” thường xuất hiện trong các cuộn băng video, và cũng chính điều này đã nói lên sự độc đáo của bộ phim có cái tên lạ đời này.
Thực tế là thủ thuật này đã tồn tại từ lâu nhưng phải đến tận khi REC được công chiếu, một sự cộng hưởng giữa cách trình bày sáng tạo cùng loài quái vật khát máu đã tạo nên một tuyệt phẩm kinh dị gây được tiếng vang lớn.
Bạn được theo chân Angela Vidal – nàng phóng viên xinh đẹp, trong chuyên mục tìm hiểu về những người lính cứu hỏa vào một đêm trăng thanh gió mát. Đồng hành với cô là người quay phim Pablo.
Angela cùng cộng sự đi theo những anh lính đến một khu chung cư sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên khi họ đến nơi thì không có vụ cháy nào cả, thay vào đó là sự kỳ lạ đến từ một người phụ nữ sống một mình ở căn phòng trên cùng…
Sự thành công của phim lớn đến mức sau này các nhà làm phim Hollywood đã tung ra một bản remake có tên Quarantine, nhưng tất nhiên là không đột phá được như bản gốc.
Warm Bodies (2013)
Kết hợp giữa phim tình cảm dạng ‘Twilight’ và phim về các Zombie, tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Isaac Marion để lại nhiều cảm xúc đẹp đẽ cho người xem.
Warm Bodies (Tình yêu Zombie) cũng có motif kiểu một cô gái người thường yêu một chàng trai đặc biệt và tình yêu của họ làm thay đổi thế giới.
R (Nicholas Hoult thủ vai), một zombie có tâm hồn nhạy cảm, bị cuốn hút bởi cô gái trẻ đáng yêu Julie (Teresa Palmer) cho nên thay vì ăn não của cô, hắn lại cứu cô thoát khỏi các đồng bọn của mình.
Một trong những yếu tố nổi bật trong phim là âm nhạc. R được xây dựng là một kẻ nghiện sưu tầm các đĩa nhạc cổ nên khán giả sẽ được thưởng thức lại nhiều bài hát lãng mạn nổi tiếng như Missing You của John Waite, Hungry Heart của Bruce Springsteen hay Patience của Guns ‘N Roses. Những bài hát được lồng ghép khéo léo và tinh tế, tạo hiệu ứng cảm xúc cho câu chuyện lãng mạn trong phim.
Có thể chưa đủ sâu sắc như nhiều phim tình cảm, chưa đủ kịch tính như các bom tấn hành động, kinh dị nhưng Warm Bodies là một bộ phim phù hợp cho những tâm hồn trẻ trung, với mỗi yếu tố được khai thác một chút trong một câu chuyện nhẹ nhàng, vừa hài hước, lãng mạn lại có chút rùng rợn rất đáng thưởng thức.
Trần Anh (tổng hợp)