Có thể nói mà không sợ lầm, là chó là loài vật được con người thuần hóa trước tiên để làm gia súc, giúp ích thiết thực cho mình trong nhiều công việc như: giữ nhà, săn bắt thú hoang dã để làm lương thực, và nhất là để có một người “bạn” trung thành cho mình.
Tổ tiên của giống chó nhà tất nhiên là chó rừng: chó sói. Chó sói thì có nhiều giống, mỗi giống có mặt một nơi ở trên trái đất. Tất nhiên, trong giai đoạn đầu thì loài sói vùng nào đích thực là tổ tiên của giống chó nhà vùng ấy. Nhưng càng ngày, do sự định cư bất ổn của con người mà chó vùng nầy lại theo chủ đến ở một vùng khác, từ đó, lại ra nhiều giống chó.
Theo các nhà sinh vật học thì chó nhà ở Châu Âu, tổ tiên của chúng chính là giống sói xám CANIS LUPUS. Chó ở các nước Châu Á thì tổ tiên là giống sói lớn CUON ALPINUS. Còn chó nhà ở vùng Bắc Phi, Nam Á và miềm Đông Nam Châu Âu là giống sói vàng CANIS AUREUS…
Và hiện nay thì mỗi vùng, hay mỗi nước đều tự hào có một giống chó đặc chủng của mình. Chẳng hạn như nước Đức có giống berger Đức, nước Anh có giống Berger Colley, nước Pháp có giống Berger Biard, nước Trung Hoa có giống Bắc Kinh Bekingese… Và Việt Nam mình cũng hãnh diện có giống chó săn Phú Quốc.
Hiện nay, trên thế giới càng có nhiều người thích nuôi chó kiểng. Nhiều nước đã lập Hội Bảo Vệ Súc Vật, trong đó chú ý nhất là chó, đã có Câu Lạc Bộ của những người nuôi chó, đã có khách sạn đành riêng cho chó, và từ lâu đã có nghĩa trang riêng cho chó!… Vì rằng thực sự người ta đã đối xử rất tốt với chó, coi như nó là người bạn thân rất trung thành của mình.
Xuất phát từ sự đối xử chân thành, từ lòng thương yêu vô bờ, nên chó kiểng mới được ưa chuộng, mới có giá cao, trên dưới 5.000 đô la một con. Và từ đó mới tạo lên phong trào nuôi chó kiểng không những ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới.
Hiện nay, nếu chúng tôi không lầm, thì đã có hơn 150 giống chó quí hiếm trên khắp hành tinh được liệt vào danh sách chó kiểng. Tất nhiên giống nào cũng quí hiếm cả, và mỗi con có một vẻ khác nhau.
Chó kiểng có nhiều loại, lớn con có mà nhỏ con cúng có. Chó lớn con nhất là giống Saint Bernard, cân nặng khoảng 140 kí lô. Chó nhỏ con nhất có giống Yorkshire Terrier, chỉ nặng vài trăm gramme. Còn cỡ 3 đến 4 kí lô thì có rất nhiều loại.
Người nuôi chó thì mỗi người lại một ý, có người thì chỉ thích nuôi chó to, nhưng có người lại chỉ thích nuôi chó nhỏ.
Nói đến nuôi chó dùng để săn thi các cụ xưa có kinh nghiêm chọn lựa như sau:
– Con chó săn phải có một thân hình chắc nịch, mạnh bạo, đùi nở, chân thon. Mắt phải sâu, chó có loại mắt nầy thì phát hiện con mồi rất nhanh, lùng sục đúng chỗ, nên con mồi khó trốn tránh được. Chó săn thì mõm phải to, miệng phải rộng, tiếng sủa vừa ấm vừa vang xa làm khiếp vía con thịt. Quanh mồm, lông có nhiều màu là chó can đảm, thiệt dữ. Lưng như lưng ngựa, khi chạy thì ngay đuôi thì chó có khả năng chạy như ngựa, vừa nhanh vừa lâu mệt. Nhờ vào sự nhanh nhẹn đó mà nó mới đủ sức dí được con mồi. Một điều nữa là con chó lúcc nào mũi cũng ươn ướt là con chó quí, săn mồi giỏi vì thính mũi.
Được biết, người ta dùng chó săn thú bằng nhiều cách:
Dùng cho phát hiên chỗ ẩn núp của con mồi.
Chọn trước con đường thú sẽ chạy qua, tất nhiên là do mình bố trí, rồi phân chia người cầm vũ khí như lao mác, cung tên đón sẵn. Sau đó, lùa chó từ hướng đối diện lùa thú hoang về hướng mình phục kích để tiện bắn hoặc phóng lao. Dĩ nhiên đây là cách săn thú lớn như cọp beo, hươu nai, heo rừng…
Một cách nữa là dùng lưới vây một góc rừng chồi hoặc một trảng tranh, rồi người cùng bầy chó săn cố dồn thú chạy thục mạng vào hướng lưới để bắt.
Trong tất cả những cách săn mồi kể trên, con chó đều sốt sắng hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra người ta dùng chó kiểng vào những công việc khác cũng nhằm mục đích mưu cầu lợi ích cho con người như: kéo xe trượt tuyết, như giúp đỡ người mù, người tàn tật, như đưa thư, đi chợ, mua báo… Hoặc dùng trong việc quân (quân khuyển), việc săn bắt hàng lậu, bài trừ ma túy, việc canh phòng, việc hình sự…
Do có những khả năng, đa hiệu như vậy nên chó kiểng bao giờ cũng là nhu cầu cấp thiết của người đời.
Và từ đó mới nảy sinh ra nghề nuôi chó kiểng.
Tại nước ta, người nuôi chó kiểng tất nhiên là lớp người nếu không giàu cũng dư ăn thừa để. Vì là nuôi làm kiểng, nên mỗi nhà chỉ nuôi một vài con, trước dạy giữ nhà, sau làm vật trang trí cho tươi nhà đẹp cửa, sang cả với xóm giềng khách khứa. Những villa, nhà có vườn tược hay đất đai rộng rãi thì nuôi chó lớn như Berger, Danois, Doberman, Boxer… còn nhà nào chật chội thì nuôi chó nhỏ như Pinscher, chó Bắc Kinh, chó Nhật, Lhasa Asos, người Hoa gọi là chó Đức Phong (loại nầy đang có giá nhất tại chợ biên giới phía Bắc).
Còn giới nuôi chó kiểng kinh doanh từ trước đến nay vẫn nuôi theo tính cách gia đình, nghĩa là nuôi nhỏ, không qui mô rộng lớn. Người nuôi ít thì vài ba con giống. Người nuôi nhiều thì vài ba chục con giống là cùng. Có nhà thì chỉ chuyên nuôi chó cái kiểng để sản xuất chó con cung ứng cho thị trường, nhưng cũng có nhà chỉ nuôi đực giống để cho phủ giống kiếm lợi.
Điều kiện phủ đực giống từ trước đến nay vẫn không có gì thay đổi:
Một là người có chó cái phải trả một khoản tiền (do hai bên giao ước) ít hay nhiều còn tùy theo trị giá của con chó đực giống ra sao. Nếu chó đực giống thuần chủng hạy thật tốt thì người chủ tính giá cao, ngược lại, chó đực thuộc vào hạng không mấy xuất sắc thì người chủ nhận giá thấp. Thường thì nhảy hai lần, mỗi ngày cách nhau một hoặc hai ngày. Nếu chó cái không “đậu thai” thì người chủ chó cái không được quyền đòi tiền lại. Tuy nhiên, lần sau có thể sẽ được thông cảm giảm giá.
Hai là chủ chó đực đến nhà bắt một con chó con, lúc đúng một tháng rưỡi tuổi. Trong trường hợp này, nếu chó cái không “đậu thai” thì người chủ chó đực coi như không nhận được gì, và chủ chó cái có lợi. Nhưng nếu chó cái đẻ con, thì người chủ chó đực được quyền chọn một con tốt nhất trong đàn chó phần mình. Nếu chó cái chỉ đẻ có một con hoặc bầy con chết hết, chỉ còn có một con, thì con đó cũng về tay chủ chó đực, chủ chó cái thiệt thòi nặng. Cũng nên kể đến trường hợp sau khi sanh con thì chó mẹ chết, thì bầy con đương nhiên là trọn quyền giao cho chủ chó cái, nếu họ “nuôi bộ” được.
Thường thì chủ chó cái thích trả tiền mặt hơn là bị bắt mất một con chó con. Và cũng thường thì chủ chó đực đề nghị bắt một con chó con, thay vì nhận tiền, nếu chó đực của họ là chó quí hiếm thực sự. Vì quí hiếm nên họ mới “làm cao”, và bắt con đem lại lợi lộc cho họ nhiều hơn.
Chó kiểng ở nước ta, trước cũng như bây giờ, có nhiều cách bán. Một là bán cho bạn bè, hàng xóm, những người thân quen. Hai là đem ra “chợ chó” bán cho những người chuyên bán chó kiểng. Lúc nào cũng có những “lái chó” lùng sục tìm mua. Với những người này thì trong tay họ lúc nào cũng có những địa chỉ cần thiết, khi cần là đến… thương lượng.
Tất nhiên, những ai nuôi chó kiểng có tính cách nhà nghề, được tín nhiệm nhờ vào những giống chó tốt thì không bao giờ… ế khách, chỉ những con “kém phẩm chất” mới đưa ra chợ Trời mà thôi.
Thị trường về chó kiểng ở Sài Gòn trong vài năm sau này trở nên… khích lệ quá chừng. Chợ bán chó trước đây chỉ có một, tọa lạc ở đường Hàm Nghi, khu chợ Cũ Sài Gòn. Nhưng bây giờ thì tại thành phố đã có đến ba chợ: một ở Cầu Mồng (bến Chương Dương), hai la tại đường Lê Hồng Phong và ba là chợ chim Thuận Kiều ở chợ lớn.
Được biết, ở ngoài Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, phong trào nuôi chó kiểng đang trên đà phát triển mạnh trong thập niên gần đây, nhờ vào thị trường ở gần biên giới Việt Trung, mua bán chó kiểng quí hiếm rất mạnh. Đó cũng là điều đáng mừng. Vì một khi số cầu càng mạnh thì người chuyên nghiệp mới hào hứng bắt tay vào việc cung cấp hăng say hơn.
Dù sao thì giới chuyên môn nuôi chó kiểng kinh doanh ở nước ta vẫn còn quá ít. Nhiều nơi cả tỉnh không có một nhà nuôi với tính cách kinh doanh. Và do đó, số chó kiểng càng ngày càng hiếm hoi đi, nhất là những loại thực quí.
Hiện nay, ở Sài Gòn muốn mua một con chó Bắc Kinh, hay một con Pinscher không biết tìm nơi đâu bày bán.
Đó là chưa nói đến việc, vì số người nuôi quá ít, số người chuyên môn về chó kiểng cũng không được bao nhiêu nên đã xảy ra tình trạng đáng buồn là chó RẶC GIỐNG vắng bóng trên thị trường, trong khi chó lai thì lại có.
Vì như ai cũng biết, với người nuôi chó chuyên nghiệp thì lúc nào cũng cố bảo tồn giống chó, vì đó là quyền lợi thiết thực của chính họ. Nếu tìm không được chó giống tốt để “phủ” thì không đời nào họ lại cho “phủ” chó lai. Nhưng, với người không chuyên thì khi túng cùng, họ chỉ cầu được sinh lợi bằng bầy chó con, dù lai chút đỉnh cũng không cần nghĩ đến!
Chính vì điều đó đã gây nên sự khó khăn không nhỏ, đối với người đang muốn bắt tay vào nghề nuôi chó kiểng để kinh doanh.
Nghề nuôi chó kiểng để kinh doanh là nghề đã thịnh hành từ lâu tại nhiều nước trên thế giới, ở đó, không còn là cách chốn nuôi cá nhân, chăn nuôi có tính cách hạn hẹp gia đình nữa, mà người ta đã tiến tới những hiệp hội, những câu lạc bộ của những người nuôi chó kiểng.
Và cũng ở những nơi đó, người ta đứng ra kinh doanh chó giống, đảm nhận phần phối giống trực tiếp và gián tiếp, qua chó đực giống và qua thụ tinh nhân tạo cho chó.
Nước ta thì chưa tiến tớí đến mức độ nầy, nhưng phong trào chăn nuôi chó kiểng đã càng ngày càng phát triển mạnh. Đó là điều đáng mừng.
Thực ra, ngay tại thành phố này, việc nuôi chó kiểng để kinh doanh cũng đã mở màn trên nửa thể kỷ nay, nhưng, trong bước đầu, số người vào nghề cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Dần dần, qua thời gian, con số đó có tăng, nhưng cũng chưa phải là con số đúng với sự mong mỏi của mọi người.
Có nhiều lý do khiến việc kinh doanh nầy bị khựng lại:
– Không có thị trường nước ngoài.
– Số người chuộng chó kiểng cũng không nhiều. Hơn nữa, con chó cũng như chiếc xe, “xài” đến năm mười năm mới thay đổi, chứ đâu phải là thứ có thể thay đổi liền liền. Đã nuôi được con chó quí, chó khôn thì người ta nuôi cả chục năm, cho đến ngày già, ngày chết.
– Lý do còn lại là do nhiều người tin dị đoan: Người ta cho rằng bán chó thì mạt, nên không mấy ai dám can đảm vào nghề.
Ngày nay, cả ba trở ngại đó đã được “tháo gỡ” nên đương nhiên phong trào nuôi chó kiểng kinh doanh lại có dịp tốt để vươn lên. Mà phong trào lại rầm rộ từ Miền Bắc, nơi có một thị trường lớn ở biên giớỉ Việt Trung.
Theo chúng tồi đó là chuyện đáng mừng.
Mừng vì nghề nầy đã có cơ hội tốt để vươn lên.
Mừng vì nhờ đó mà chúng ta mới có dịp tuyển chọn những con giống lạ, thuần chủng hiếm quí mà nuôi.
Và cũng mừng vì số người có tay nghề cao không còn hiếm hoi như trước nữa
Như vậy, thì nghề nuôi chó kiểng kinh doanh đã có nhiều điều kiện tốt để phát triển.
Số người nuôi chó quí mà chơi cũng tăng nhiều. Bằng chứng là những trường huấn luyện chó được mở ra nhiều hơn, và trường nào cũng thâu nhận được nhiều “học sinh” hơn trước.
Thực ra thì nuôi chó kiểng cũng đâu có gì khó khăn. Qua tập sách nầy, quí vị đã thấy chỉ cần chúng ta nắm vững được vài nguyên tắc cơ bản là nắm vững được thành công.
– Trước hết là chọn giống tốt (rặc giống) mà nuôi.
– Kế đó là chăm sóc chó cẩn thận, từ khâu cho ăn đến khâu tắm rửa vệ sinh chuồng trại.
– Thứ ba là theo dõi bệnh trạng, và phòng ngừa bệnh tật của chó.
Những việc đó mà làm tốt thì việc nuôi chó kiểng phải chắc chắn thành công.
Bây giờ thì những thuận lợi đã có, tuy nhiên vẫn còn một việc đáng lo, đó là nên nuôi giống chó gì đê đáp ứng đúng với thị trường tiêu thụ?
Đây là một vấn đề quan trọng và phức tạp mà chúng tôi đã đặt ra trong phần đầu của cuốn sách: Phải nắm bắt cho đúng thị trường tiêu thụ. Nghĩa là phải đáp ứng đúng mức và kịp thời những giống chó mà thị trường đang cần, đang thiếu, đang “hút”. Dĩ nhiên, đây là sự khôn ngoan cần phải có đối với người chăn nuôi. Nhưng, có điều phải nên phán đoán, nên cân nhắc xem, những giống chó kiểng mà thị trường đang cần, đang thiếu, đang hút đó là thực hay giả tạo? Giai đoạn hay lâu dài ?
Có nắm vững được điều đó, chúng ta mới dễ dàng nắm bắt được thành công. Vì rằng, thứ nào đang hút thì đang lên giá. Nếu giữa lúc nầy mà chúng ta nhập cuộc, tất nhiên phải bỏ số vốn để đầu tư khá cao, nếu không khôn khéo cân nhắc thiệt hơn thì chẳng khác nào mình đã bất đắc dĩ để dư vào một canh bạc, đước thua chưa biết ra sao!
Được biết, hiện nay một cặp chó Bắcc Kinh hai tháng tuổi kêu giá là 1.500 đô la tức là tương đương ba lượng vàng. Chúng tôi không đặt vấn đề giá đó là cao hay thấp, Vì “đồ chơi” xưa nay vốn vô giá trị, hơn nữa làm ăn mà vốn nhiều thì lời to, có sao đâu? Chỉ cần nuôi làm sao để thành công một lứa đầu là tha hồ thu vốn lại! Nhưng, điều băn khoăn cần đặt ra ở đây đối với chúng ta, là liệu cái giá đó có còn đứng vững mãi trong tương lai về lâu về dài hay không?
Xin đơn cử một thí dụ như vậy để chúng ta cùng suy gẫm. Chứ thực sự thì giống chó Bắc Kinh (Pekingese) xưa nay vốn là mặt hàng khan hiếm trên thị trường, không những ngoài nước mà ngay cả trong nước cũng vậy.
Đấy, ở đời mọi việc phải được đầu tư sự sáng ý, phải đắn đo suy nghĩ mọi lẽ thiệt hơn, ta mới hy vọng nắm chắc được thành công.
Đành rằng “có phước làm quan, có gan làn giàu” như ông bà ta xưa đã nói. Nhưng gan không có nghĩa là… nhắm mắt làm liều mà được!
Xin lễ phép thưa rằng: mọi việc làm ăn ở đời – trong đó có việc kinh doanh chó kiểng, ta không nên tự cho mình là một con bạc, chỉ cần ở sự hên xui, may rủi. Mà lúc nào ta cũng tự coi mình là một đấu sĩ đứng giữa đấu trường, muốn thắng thì phải khôn ngoan tài trí, và cần biết người biết ta ra sao mới được!