Đã mấy đêm rồi cứ khoảng ba giờ sáng, con Phích từ đâu lại trở về cạo móng vào cánh cổng sắt ngôi nhà mới xây với lối kiến trúc khoa trương nửa Tây nửa Tàu, cầu kỳ rối rắm, làm cô chủ trẻ nổi quạu vì bỗng dưng bị đánh thức. Lần nào cũng vậy, bằng giọng ngái ngủ, cô lại gọi với xuống tầng dưới:
– Con The đâu! Ra tống ngay cái con trời đánh thánh vật kia đi!
The là đứa con ở, thời bây giờ được gọi một cách sang trọng là người giúp việc. Tuy đi ở nhưng nào nó có được nhận đồng lương bao giờ. Ở ngoài quê, cha mẹ nó đã vay mượn trước của cha mẹ ông chủ khi vài chục ngàn, khi dăm ba ký gạo, cộng lại cũng thành một món, lâu rồi không trả được nên cuối cùng nó bị cha mẹ bắt vào đây làm con ở trừ nợ.
Đang ngủ say như chết, con The mắt nhắm mắt mở, bổ quáng bổ quàng bò dậy. Đã thành một phản xạ tự nhiên, con bé cầm ngay lấy cây gậy vẫn dựa ở góc nhà rồi lập tức chạy ra cổng. Phải quất cho con Phích một trận nên thân mới được. Ai bảo không nghe lời. Đã bảo ban ngày bà chủ đi vắng thì hãy lần về, còn ban đêm thì phải lánh xa, thật xa.
Nhưng khốn nỗi, vừa nhìn thấy The, con Phích đã mừng quýnh, nhảy bổ lên ôm chặt lầy cổ con bé mà liếm lấy liếm để, miệng phát ra tiếng kêu i ỉ, nghe thật thương. Thế là The cũng chẳng làm khác được. Con bé vẫn buộc phải quay mặt đi, dơ gậy lên đập mấy nhát như phủi bụi vào con vật… Nhưng con Phích không hiểu. Nó giận cúp đuôi, chạy thẳng một mạch không hề dám quay đầu lại. Chắc nó không thể không thắc mắc cái con người xưa nay yêu thương nó hết mực hôm nay sao lại thế nhỉ?
Hai cánh cổng nhanh chóng được khoá chặt trở lại. The ứa nước mắt trở vào nhà. Rồi nó lại ngủ tiếp. Nó đang tuổi ăn tuổi ngủ, vả lại cũng vì chuyện này thường diễn ra như cơm bữa. Rồi nó mơ. Trẻ con chúa là hay mơ. Nó lại mơ thấy mụ phù thuỷ thường nhìn thấy trên tivi trong những cuốn phim thần thoại, vừa cuời sằng sặc vừa giơ tay định túm lấy nó xách cổ nó lên. The thét tướng lên và không ngờ đúng lúc đó một cú cốc vào đầu kèm theo là tiếng cười giễu nhưng không phải của mụ phù thuỷ mà là của cô chủ;
– Giỏi nhỉ, lại còn mơ với mộng. Mày đánh đuổi thế qué nào mà con chó khốn kiếp kia vẫn quay trở lại?
The tỉnh ngủ hẳn. Nó dỏng tai lên nghe. Đúng là lại tiếng con Phích cạo chân vào cánh cổng thật. The lại phải nhắm mắt nhắm mở, chạy ra cổng trong khi cô chủ thì bật đèn sáng choang đứng trong nhà chống tay vào mạng sườn nhìn ra. Chỉ đến khi nghe rõ có tiếng đập đánh hự và tiếng con Phích kêu ăng ẳng, cô chủ mới chịu thong thả bước lên lầu để cùng chồng ngủ tiếp.
– Lần này thì cái The yên trí. Cú đòn giận cá chém thớt vừa rồi hẳn làm con Phích phải tởn đến già.
Cách đây ba năm, cô chủ với cậu chủ là sinh viên một trường đại học. Thời gian đầu, cặp vợ chồng trẻ này cũng nghèo như mọi sinh viên mới ra trường khác. Họ chỉ giàu lên sau khi cậu chủ được tuyển dụng làm nhân viên kế toán cho một công ty, mà giám đốc hào phóng đến mức sẵn sàng mua tặng bồ nhí cả căn nhà đáng giá ngàn lượng vàng.
Đục nước béo cò, nhờ thế mà chỉ cần mấy tháng trời thử việc ông chủ đã tranh thủ chớp được mấy “phi vụ” để rồi mua ngay được miếng đất và xây nên căn nhà này. Cũng từ đó, cô chủ không đi làm nữa, chỉ ở nhà để, một là ra oai với đứa ở gái, hạch sách nó cho ra dáng một bà chủ, hai là để dưỡng cái thai, mà cô chủ hy vọng sau này nó là hoa hậu, nếu là gái, là bác học nếu là trai. Thế là trong suốt chín tháng mười ngày bồi dưỡng thai nhi và một năm nuôi dưỡng hài nhi, cô chủ mua về đủ thứ từ sách nuôi trẻ đến những phụ gia khác như thuốc bổ, sâm Cao ly, trứng ngỗng, thịt cóc… nhưng kết cục cậu chủ nhỏ về cơ thể vẫn không sao lớn lên được, vẫn cứ còm nhom như con mắm lẹp, hơi trái gió trở giời là sổ mũi hắt hơi, còn về trí óc thì vẫn không sao thông minh lên được, cứ dại dại khờ khờ, ngơ ngơ ngác ngác, hơn ba tuổi rồi mà vẫn không nói được một tiếng cho ra hồn.
Những người hàng xóm bảo cậu nhỏ bị khát nước vì cha mẹ cậu ăn mặn quá nhiều..
Nhưng chuyện vợ con không làm ông chủ bận lòng. Ông vẫn lao vào các cuộc làm ăn như điên. Trong những mánh khoé làm ăn này ông đặc biệt chú trọng đến các mối quan hệ, đến sự sự cải thiện mối tương giao giữa ông với giám đốc công ty. Thế là một hôm được lão kế toán trưởng hiến cho một diệu kế, ông chủ lập tức thực hiện ngay.Ông điện ra ngoài đảo nhờ thằng bạn thân ngoài ấy lùng mua cho một con chó giống Phú Quốc rặt, giá bao nhiêu cũng được rồi gửi máy bay về cho ông. Chó Phú Quốc là giống chó quý, được ghi vào sách đỏ thế giới. Nó có nhiều tính năng nhưng xuất sắc nhất là tính giữ của. Đi săn mồi về ăn không hết nó biết bới đất vùi xuống để dành cho hôm sau. Hôm ra sân bay Tân Sơn Nhất đón chó, vợ chồng ông chủ mừng lắm. Loại chó này giám đốc Công ty chắc là khoái lắm đây. Khoái con chó đã đành nhưng chắc chắn phải khoái mình hơn. Em tặng anh con chó là tặng tấm lòng đảm bảo sự trung thành của em với giám đốc đấy.
Những ngày đầu, con Phú Quốc được cưng chiều chả khác gì cậu chủ nhỏ. Nó được đặt ngay bằng một cái tên tiếng Anh cho ra vẻ con vật của một gia đình trí thức. Rồi nó còn được cô chủ dùng những kiến thức của bốn năm học đại học ngành chăn nuôi với sự thị phạm của bé The, dạy cho những cách để có thể làm hài lòng ông giám đốc. Như cách liếm chân, liếm tay, cách ngồi bằng hai chân sau, cách lạy bằng hai chân trước, cách ngậm vào miệng những giấy tờ để tận mặt đưa cho người khác…
Ông chủ thấy thế đã tỏ ra rất hài lòng và yêu vợ hơn. Ông mường tượng ra nụ cười của Giám đốc mỗi khi giải trí bằng những trò tập làm người của con Phích mà nay mai ông ta sẽ được ông kính tặng.
Nhưng rồi niềm vui ấy loé lên trong lòng cặp vợ chồng trẻ này không được bao lâu thì nỗi buồn lo khác đã ập đến. Cơ quan thanh tra bắt đầu để ý đến Công ty ông chủ đang làm. Thực ra lâu nay bằng mẫn cán của một cử nhân kinh tế, ông chủ cũng đã nhận ra những bê bối của công ty này nhưng ông cứ nghĩ điều ấy còn xa, còn lâu mới tới. Ai ngờ…Nhưng rồi cũng bằng cái mẫn cán vốn có, ông chủ đã tìm ngay được cách hạ cánh an toàn tới mức ông không hề bị đụng đến cái lông chân, trong khi không đầy một tháng sau, toàn bộ Ban giám đốc Công ty bị bắt và sau đó ra toà, Giám đốc phải chịu mức án chung thân.
Ông chủ kể lại điều này với vợ làm cô chủ vui ra mặt và vào địa vị người khác nỗi vui này có thể làm quên được tất cả nhưng với cô lại không, cô vẫn hỏi lại chồng:
– Vậy còn con Phích? Bây giờ biết tặng ai?
– Thì mình cứ giữ lại mà nuôi. Thằng nhỏ nhà mình nghe chừng cũng thích con Phích lắm!
– Không được đâu anh! Lâu nay vì công việc của anh, em phải cắn răng giữ con chó ấy lại, chứ nhà mình chạy máy lạnh cả ngày thế này nguy hiểm lắm. Lông lá của nó của nó cứ dính hết vào mồm vào mũi thằng bé. Rồi ho lao có ngày. Với lại báo chí chả từng nói lông mèo lông chó là những ổ trứng giun hay sao.
Ông chủ đành phải chiều vợ. Ông cũng định nói ra sự bất lợi, dễ bị nhòm ngó khi không có con chó giữ nhà nhưng thấy vợ nói thế, ông đành im tiếng.
Con Phích bị tống ra đường là vì lẽ đó.
Nhưng nghề đời, trẻ con đâu có phải là người lớn ít tuổi, cậu chủ nhỏ đâu biết vì sao người bạn thân của cậu phải chịu sự nghiệt ngã ấy. Cho nên mỗi lần nghe con Phích trở về kêu la là trong nhà cậu cứ mừng quýnh lên, mừng hơn cả lúc nghe tiếng còi xe mẹ cậu bóp í o ngoài cổng. Cậu dãy nảy lên, gào thét, đòi phải cho cậu được ra chơi với con Phích. Những lần như thế, nếu không có cô chủ ở nhà, bé The lại mở cổng cho con Phích chạy vào. Hai đứa trẻ, một người một vật, cứ quấn quýt lấy nhau… Còn bé The thì lấy cơm, lấy thịt cho nó ăn. Do phải đi hoang lâu ngày, cái bụng luôn lép kẹp, thấy có thức ăn, con Phích mừng ra mặt vừa ăn nó vừa ư ử reo vui nghe thật dễ thương. Ăn xong, bọn trẻ chơi với nhau một lúc nữa rồi mới phải chia tay, khi con bé The nhìn đồng hồ đoán sắp đến giờ cô chủ đi chùa hoặc đi chợ về nhà.
Lúc ấy, The bế cậu chủ ra cổng, nhử cho con Phích đi theo ra ngoài rồi nhanh chóng đóng sập cổng lại.
Đêm nay con Phích lại lần về. Nó nhớ bé The, nhớ cậu chủ hay vì nó đói? Con Phích cạo cửa rồi đứng chờ thêm một lúc nữa, không thấy có động tĩnh gì nó lại buồn bã lết đi. Vừa lúc đó, có tiếng rơi đánh bịch phía sau, con Phích nhìn lại thì thấy đó là nửa ổ bánh mì và nụ cười rất tươi của bé The. Con Phích vội vàng ngoạm lấy miếng bánh, định lết đi thì bỗng nghe có tiếng quát như pháo nổ ở phía sau:
– Con The! Tao nuôi mày để mày lấy bánh của tao nuôi con vật khốn kiếp kia phải không? Hèn chi mà nó cứ quay về quấy rầy hoài.
Sau đó là tiếng đấm, tiếng đạp đã thành quen thuộc với nó. Nhưng dù sao hôm nay con Phích vẫn thấy lạ. Nó không nghe thấy tiếng bé The khóc như mọi khi mà là một tiếng thét cũng khủng khiếp không kém gì tiếng cô chủ:
– Ai nuôi tôi? Cô nói đi? Sở điện lực hay cô? Cái khoản tiền gia đình cô ăn cắp từ dòng điện của Nhà nước không đủ nuôi tôi sao?
Bé The nói xong thì đi thẳng một lèo.
Hơn một năm sau.
Từ ngày bé The và con Phích bỏ nhà ra đi, sức khoẻ cũng như tinh thần cậu chủ nhỏ càng ngày càng suy sụp. Nếu như trước đây cậu ăn mỗi bữa được chén cơm thì bây giờ ép uổng, chiều nựng lắm và đồ ăn có ngon lành, cầu kỳ đến đâu, cậu cũng chỉ nuốt được vài muỗng rồi quay ra nhổ phì phì. Người cậu ngày càng gầy rộc đi, yếu ớt, non bấy như mầm khoai lang mọc trong bóng tối. Mỗi lần cho cậu chủ nhỏ đi cân thấy không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ cần thiết, cô chủ lại thở dài thẽo thượt. Điều ấy đã làm vợ chồng ông chủ sợ nhưng không sợ bằng sự khủng hoảng tinh thần của cậu. Cậu như người mất hồn, như bị ma ám. Suốt ngày mặt cứ nghệt ra, bần thấn. Và nếu như trước đây cậu còn nói được mấy tiếng như “The ơi, Phích ơi, ba má ơi” thì bây giờ cứ im bặt như bị đứt dây thanh quản. Đã vậy thỉnh thoảng cậu lại bò nhoài người ra, chân tay cứ quào quào xuống nên nhà như bốn chân con vật, còn miệng thì lúc gầm gừ lúc tru tréo như chó dại, ai nhìn thấy người mê tín thì bảo hồn ma con Phích nhập vào, ai duy vật thì bảo do cậu chủ nhớ con Phích quá mà đâm ra thần kinh khủng hoảng.
Ông bà chủ rất lo và trong khi ông chủ đưa cậu đi chữa hết nhà thương này đến bệnh viện khác thì cô chủ lại đi lễ hoặc xin thẻ hết chùa này đến đền nọ. Trong thời gian này, để rảnh tay lo cho con, ông bà chủ đã thuê hẳn một cô bảo mẫu của trường mẫu giáo nổi tiếng trong thành phố, chăm sóc riêng cho con mình theo chế độ “vip” với mức chi phí cao gấp chục lần các cháu bình thường. Cứ thế, ngày nọ qua ngày kia, một cô một trò, cậu được chăm sóc đặc biệt với những phương pháp đặc biệt của giới thượng lưu, trong đó có cả việc vài tuần lại có một ngày cậu được đi chơi xa ra những vùng quê yên tĩnh bằng xe riêng của gia đình để thư giãn tâm hồn.
Lần ấy, cô bảo mẫu đưa cậu về một vùng ven biển cách xa thành phố cả trăm cây số. Trên đường đi hôm ấy có một sự kiện vô tình trong bỗng chốc đã làm xáo trộn gia đình cô chủ. Ấy là khi hai cô cháu dừng xe bên một con phố nhỏ, xem một bà cụ lưng còng tóc bạc như cước bán vé số, trên cái bàn gỗ mốc thếch xiêu vẹo, điều khiển một con chó làm trò với hàng chục người đang vỗ tay reo hò cổ vũ. Theo lệnh biểu hiện qua cái vỗ tay của bà cụ, con chó khôn ngoan đã ngậm từng tập vé số đem đến giao cho một người nào đó để rồi nhận về cũng bằng cách ngậm miệng những đồng tiền mà người mua vé số trả. Giữa trời nóng như rang, tiếng vỗ tay liên tục vang lên. Ngồi trong xe cô bảo mẫu bỗng nhận ra một điều thật lạ, một điều xưa nay cô chưa thấy bao giờ, ấy là cậu chủ nhỏ đang lim dim ngủ bỗng bừng dậy, mắt sáng lên những tia sáng lạ kỳ.
Rồi cậu đã nhảy cẫng lên trên ghế khi con chó đi gần đến chiếc xe. Bất thình lình cậu bật ra một ra một tiếng reo, đúng hơn là tiếng gọi, rõ ràng và rành mạch: “Phích ơi, Phích ơi!” làm cô bảo mẫu cứ tròn xoe mắt ra kinh ngạc. Cậu chủ gọi như thế đến cả chục lần. Cô bảo mẫu mừng ra mặt. Vậy là có thể báo công với bà chủ được rồi. Cô bảo mẫu lôi chiếc điện thoại di động trong túi xách ra.
Về lại thành phố cô báo tin vui với bà chủ, không quên bật máy ghi âm và ghi hình cho bà xem. Bà chủ tỏ vẻ phấn khởi, định thò tay rút ngay trong két ra năm triệu đồng thưởng cho cô bảo mẫu nhưng rồi lại rụt lại, phân vân, không biết sự thật chính xác bao nhiêu!
Hôm sau cô chủ cùng cậu chủ nhỏ bí mật đi đến cái thị trấn có bà cụ bán vé số và con chó ấy. Để tránh sự ồn ào không cần thiết, cô chủ không kêu tài xế mà tự cô lái lấy. Mọi việc vẫn diễn ra theo đứng như cô bảo mẫu miêu tả. Nghĩa là khi xe dừng, nhìn thấy con chó, cậu chủ bất thình lình lại nhoài người khỏi cửa sổ xe reo tướng lên: “A má ơi! Con Phích! Phích ơi!”. Rồi cậu ôm mặt khóc hu hu. Nghĩa là cậu trở lại đúng bản chất một con người, con người bình thường với hỉ nộ ái ố. Cô chủ cũng vui không kém. Cô mở hạ kính xe reo lên:
– Con Phích! Đúng là con Phích nhà mình rồi.
Cậy chỗ quen biết cũ, cô chủ chạy vội đến chỗ con chó, quên cả việc chào hỏi bà cụ bán vé số già nua. Thật bất ngờ, con Phích vừa thoáng nhìn thấy mặt cô chủ , chả cần phải gầm gừ báo hiệu, nó lập tức lùi lại, rồi như con thú vồ mồi, nó vụt lao đến cô chủ. Rất may đám đông đã kịp chạy đến giải vây cho cô chủ. Con chó buộc phải chạy ra xa nhưng bốn chân của nó vẫn cứ như cào móng rách cả mặt đường. Người đàn bà khốn khổ chỉ còn cách nhảy lên xe đóng chặt cửa lại mới mong thoát nạn. Con chó Phích gầm gừ thêm một lúc nữa rồi buộc phải tiu nghỉu lảng đi chỗ khác. Nó vừa đi vừa sủa.
Đám đông giải tán dần. Lúc này cô chủ mới hoàn hồn. Cô mời bà cụ bán vé số lên xe ngồi với cô. Chân tay cô vẫn còn run. Giọng nói vẫn như muốn đứt quãng. Cô hỏi chuyện bà cụ về con Phích. Trong khi hỏi chuyện, cô vẫn giấu, không nhận mình là bà chủ của con The và con Phích, mà chỉ nhận là khách qua đường.
– Hay là thấy tôi ăn mặc không giống ai ở đây?
Cô chủ định nói: “Sang trọng khác người”. Bà cụ bán vé số tưởng thật, phân bua:
– Không phải thế đâu. Ở đây thiếu gì người còn ăn mặc sang trọng hơn cô mà nào có sao đâu!
Bà cụ bán vé số kể tiếp: Cách đây hơn một năm, bà sống lang thang vô gia cư ở bến xe miền Đông. Đêm nọ bà vừa trải tấm vải mưa ra hiên nhà định ngủ thì có một đứa bé gái khoảng mười hai, mười ba tuổi, dắt theo con chó đi đến. Bà chú ý đến nó vì thấy nó còn trẻ con mà lại mặc trên người bộ quần áo của người lớn rộng thùng thình. Bà hỏi. Nó bảo là quần áo cô chủ thải ra bắt nó mặc, chứ cả mấy năm trời không hề may quần áo mới cho nó. Bà hỏi nửa đêm đi đâu. Nó bảo vừa bị cô chủ đánh đuổi. Hỏi vì sao. Nó bảo tại vì do nó quá thương con chó này mà cô chủ không muốn thế. Rồi nó khoe với bà con chó này khôn lắm. Nó có thể làm việc theo sự sai bảo của con người. Nghe con bé nói thế, bà mừng lắm, nghĩ trời giúp mình đây. Hôm sau bà bắt đầu “thử việc” con chó. Bà nói với mọi người ai cần mua vé số từ xa, chỉ cần xoè ngón tay ra hiệu là con chó của bà có thể ngậm ngay vào miệng những tờ vé số đó rồi chạy đến đưa vé tận tay người mua rồi lại ngậm tiền khách trả đem lại cho bà. Những người hiếu kỳ thích lắm, họ đòi được làm thử. Kết quả con chó đã thực hiện đúng được những yêu cầu như thế. Tiếng lành đồn xa. Từ hôm đó số vé bán được đã ngày một tăng lên. Cuộc sống của hai bà cháu ngày càng cải thiện. Bà đã may được cho cháu vài bộ quần áo mới, khỏi phải khoác lên người thứ đồ thừa đồ thãi của ai đó bất nhân thải ra bắt cháu mặc hết ngày nọ tháng kia.
– Vậy nay cháu gái đó đâu rồi hả bà?
Cô chủ nghe chừng ruột muốn sốt điên lên. Bà cụ vẫn chậm rãi:
– Để yên lão kể. Nó ở nhà nấu cơm. Bà cháu lão thay phiên nhau. Lão bán thì nó ở nhà.
– Vậy là bà cũng đã có nhà rồi?
– Có! Nói thật với cô, cũng là do nhờ vào con chó khôn ngoan có nghĩa có tình này đấy. Chả là năm ngoái có một ông ngư phủ thấy muốn thử thách con chó đã bắt nó phải bơi xuống nước mang vé số ra ghe đang đậu ngoài bến cho ông ta. Tưởng là lần này con chó chịu thua. Ai ngờ nó làm được. Thế là ông ấy phải mua hết số vé của lão. Nhưng rồi trời phật phù hộ làm sao ông ấy lại trúng ngay số đậc đắc cặp mười cô ạ, nghe đâu được những hơn chục tỷ kia. Thế là chắc thấy lộc bất tận hưởng, ông ấy thưởng ngay cho bà cháu lão ba trăm triệu đồng, số tiền mà cả đời lão chưa bao giờ dám mơ tới. Nhờ thế mà bà cháu lão có được căn nhà hiện nay.
– Vậy bà cho tôi địa chỉ, lát nữa, tôi sẽ đến thăm nhà bà, và thăm cháu bé…
– Vâng thế thì quý hoá quá… Nhưng tôi nói thiệt, thăm thì cứ thăm vì dù sao đây cũng là một chuyện lạ. Nhưng thăm mà tỏ vẻ thương nó, cho nó tiền, nó không chịu đâu. Nó thường bảo với tôi thời này nhiều người đạo đức giả lằm. Nhà tôi gần đây thôi mà. Cô cứ đi đến cây bàng kia rẽ tay trái một đoạn rồi hỏi nhà bà Năm vé số có con chó khôn ngoan là họ chỉ ngay thôi mà. Để tôi dẹp hàng rồi về trước báo cho cháu biết. Con chó của tôi chắc nó cũng đã về nhà rồi.
Bà lão bán vé số đi được một lúc thì cô chủ cũng đánh xe đi. Cô nghĩ đến cái điều sẽ nói, thậm chí năn nỉ với con The hãy tha lỗi cho cô. Cháu và con Phích nữa hãy về với cô. Cậu chủ từ ngày cháu ra đi đến giờ đã bị khủng hoảng tinh thần không còn ra hồn người nữa. Rằng cháu hãy vì cô, vì sự phúc đức ở đời mà cứu lấy cậu nhỏ, cho cậu trở thành một con người đàng hoàng, nếu không cô lo, cậu sẽ thành con vật mất.
Chiếc xe đã đến được ngôi nhà ấy, dừng trước một cái cổng có giàn hoa ti gôn sang trọng. Con Phích không biết từ đâu nghe tiếng xe đã chạy vọt ra. Cậu chủ vừa nhìn thấy con Phích mặt đã lại sáng bừng lên, miệng lại lắp ba lắp bắp: “Má ơi! Con Phich nhà ta!”.
Cô chủ vui quá nên quên cả bài học lúc nãy. Cô lại mở cửa xe, định bước ra. Cô đâu có ngờ con Phích chỉ chờ có thế để lao đến xé xác cô ra. The đã kịp thời lao tới đẩy cô ngã xoài xuống ghế xe rồi đóng sầm cửa lại.
The bần thần nghĩ cách giải quyết tình huống khó khăn này. Chợt một ý nghĩ loé lên. Nó tức tốc chạy vào nhà, mở tủ lấy ra bộ quần áo cũ mà cô chủ vẫn bắt nó mặc để thay cho những bộ quần áo lẽ ra cô phải sắm cho nó, đó cũng là bộ quần áo rộng thùng thình nó mặc vào cái đêm bị đuổi ra khỏi nhà. Nó đem bộ quần áo ấy ra, hạ kính xe xuống rồi ném cho cô chủ.
– Cô mặc ngay bộ này vào. Chắc sẽ ổn thôi!
Hệt như cái máy, cô chủ làm theo. Cô mở cửa xe bước xuống. Vừa thoáng nhìn thấy cô, con Phích định gầm gừ nhưng rồi nó lại ngậm miệng lại ngay. Như nhận ra lỗi của mình, con Phích cúp đuôi lẳng lặng đi ra sau nhà.
Cô chủ bước vào nhà. Vật đầu tiên cô nhìn thấy là chiếc gương đứng khổ cao bằng người được dựng bên cạnh lối đi. Cô chủ nhìn vào. Bất giác cô giật mình. Cô sinh viên nào thế kia nhỉ? Ồ, hoá ra mình cũng đã có những ngày như thế!
Nguyễn Khoa Đăng (TP. HCM)