Thành ngữ, tục ngữ về loài chó
Ngày xuất bản: 12/02/2018 2:39:18 SA
Hoàng Việt Quân
Chó là vật nuôi thân thuộc, gần gũi với người từ lâu đời. Có nơi, có lúc người ta gọi chó là “Khuyển”, “Cẩu”, “Cầy”. Từ những đặc tính của loài chó (cả mặt tốt và mặt xấu), con người đã vận dụng sáng tạo thành những câu thành ngữ, tục ngữ sinh động, ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng giàu tính biểu tượng, giàu hình ảnh ẩn dụ, thâm thúy.
Trước hết, để phân định về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các loài vật, nhân dân ta có những câu tục ngữ như: ” Nuôi chó giữ nhà, nuôi gà gáy sáng”; “Giống chó giữ của đi săn/ Giống mèo diệt chuột siêng năng đêm ngày”; “Mèo ở trên nhà, chó ở dưới đất” (dân tộc Cao Lan); ” Trâu gõ mõ, chó leo thang” (dân tộc Tày), “Chó cùng nhà, gà cùng chuồng“, ” Trâu làm bạn với trâu, chó làm bạn với chó “.
Chó trông giữ nhà rất nhạy cảm: “Chó đâu sủa chỗ không/ Chẳng thằng ăn trộm thì ông ăn mày”.
Chó là vật nuôi trung thành, không quên nhà, quên chủ: “Khuyển mã chí tình“, “Chó không không cắn chủ“, “Người đi trước, chó theo sau“, ” Chó quen nhà, ma quen ngõ“, do đó gia chủ không sợ bị lạc đường: ” Lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu“, ” Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu“. Người Tày có hai vế đối xứng vừa lạ, vừa không sai: ” Chó không quên đường, bố không quên nhà“. Chó trông giữ nhà, biết phân biệt người lạ, người quen: ” Nhà bà có con chó đen/ Người lạ nó cắn, người quen nó mừng “.
Chó, gà bị thương thì nhanh khỏi, mau lành, vì ” Chó liền da, gà liền xương“. Có người quý chó, đôi khi bày tỏ quan điểm và tình cảm qua các câu nói có phần thái quá, hoặc có ẩn ý: “Gọi trời bằng nó, gọi chó bằng ông”, “Có con phải chiều lòng chó”, “Làm ơn đầu họ như chó đầu bầy”, “Con nhà khó không bằng chó nhà sang”, “Chó sống còn hơn sư tử chết”, “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”,”Đất chó đẻ là đất quý”.
Bà con lấy chuyện nuôi chó để khuyên bảo việc nuôi dạy con cái: ” Nuôi con chẳng dạy chẳng răn/ Thà nuôi con chó nó canh giữ nhà“, ” Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo“. Để nhắc nhở mọi người cần nể nang, kiêng dè, cân nhắc mỗi khi muốn phê phán, trừng phạt người khác: ” Đánh chó phải nể chủ“, ” Đánh chó ngó chúa“; người Mông nói: ” Đánh chó phải nhìn chủ“, bởi ” Đánh nước đau đến cá, đánh chó đau đến chủ” (dân tộc Tày). Giống chó hay hùa, bảo vệ nhau, đánh con này phải phòng ngừa con khác cắn trộm đằng sau nên có câu: ” Đánh (đập) chó phải ngó sau “, câu này còn mang nghĩa: lúc chống chọi cần cẩn thận giữ gìn nhiều phía kẻo bị đối phương mưu hại, tấn công bất ngờ.
Chó sống bên nhau nhiều khi cũng hục hoặc, tranh giành, cắn xé lẫn nhau, nhưng khi gặp nguy hiểm lại rất đoàn kết: ” Loài chó thường cắn lẫn nhau, khi gặp sư tử cùng nhau kết đoàn“. Người Cao Lan nói: ” Một con chó không thành đàn, một rừng không thành núi“. Trong cuộc sống đồng bào thường nhận xét và có lời khuyên bảo con người: ” Chó dữ dùng xích ngắn”, “Đi chợ không mang theo chó, đi làm đồng không mang theo trẻ em” (dân tộc Tày), ” Ở với chó sói thì sớm muộn cũng thành chó sói” (dân tộc Mông), “Chó ba quanh mới nằm, gà ba lần vỗ cánh mới gáy”, “Bảy chén chó tha hồ liếm mặt giữa bản” (dân tộc Thái), “Quen chó chớ mó răng, quen voi chớ sờ ngà”.
Nuôi chó, gia chủ phải chăm sóc, cho ăn uống đầy đủ, không thì bị người đời chê cười: ” Chó gầy xấu mặt người nuôi“, nếu gia chủ ” Ăn hung thì chó được nhờ“, nếu ” Ăn cơm với cá, cơm chó không còn” (Tày), hoặc ” Ăn cơm, hết phần chó” để vật nuôi bị đói sẽ diễn ra cảnh ” chó khô, mèo lạc “, khác gì chó hoang, mèo hoang, câu nói còn ám chỉ người lang thang, vật vờ.
Chó được nuôi dưỡng nên biết thân phận không bao giờ vòi vĩnh, nhu cầu ăn no có khi không được đáp ứng, bởi vì: “Cơm đâu cho vừa bụng chó“, ” Lợn ăn ngập nanh, chó ăn một bát“, vậy mà vẫn mang tiếng ” Tham ăn như chó“, thậm chí người ta lấy cớ ăn nhiều, ăn tham của chó để từ chối giúp đỡ người khác: “Cơm đâu no chó, thóc đâu no gà“, ” Cơm đâu no bụng chó, cỏ đâu no bụng trâu“. Người ta còn lấy việc ăn của chó để nói về lòng tham làm giàu của con người với ý chê bai, khinh thị: “Làm như trâu mới khó, ăn như chó mới giàu“. Lên án những kẻ cậy thế nơi mình ở, nơi quen biết để bắt nạt, hăm dọa, chèn ép người xa lạ với các dị bản: “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng (gà cậy vườn)”, “Chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế chuồng (gà ỷ thế vườn)”, “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần cùm (cũi), hùm cậy gần rừng” (dân tộc Mường)
Éo le và trái khoáy hơn là cái cảnh ” Chó chùa bắt nạt chó làng“, ” Chó chùa ăn hiếp chó làng“. Người Mông có câu tố cáo: ” Chó nhà quan muốn cắn càn thế nào cũng được“. Có khi chưa hành động mà chó đã hăm dọa: ” Chó chưa cắn đã chìa răng ra “.
Nuôi loài vật, con người có lúc yêu, lúc ghét, bày tỏ thái độ thật rõ ràng: ” Khi thương, bòng co ruột, lúc ghét mắng chó mèo“. Thật oan cho chó mèo lúc chủ nhà tức giận với ai đó, cứ mượn chó mèo mà “Chửi chó, mắng mèo“. Yêu vật nuôi nhưng con người cũng cảnh giác: “Yêu gà gà mổ mắt, yêu chó chó liếm mặt “.
Bình thường, chó không ngồi ghế, nhưng khi “Nước lụt chó nhảy bàn độc“, tức bàn để thờ cúng. Câu tục ngữ này có ý nói: nhờ có cơ hội, kẻ hèn kém, bất tài nhảy lên địa vị cao sang. Câu này còn có dị bản: “Gặp nước lụt chó leo bàn độc/ Vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm“. Thôn (làng) Đông Mai thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có câu: ” Đông Mai chó cắn ngang tai “. Ngày xưa Đông Mai là một trong ba địa phương bị ngập úng nhất xứ Đông Ngàn, chó và người nhiều khi phải sống trên mái nhà.
Thành ngữ, tục ngữ, câu ca về loài chó còn nhiều, thật khó mà sưu tầm hết được. Chỉ biết loài chó là vật nuôi có ích cho con người, cho xã hội và cũng có nhiều tật xấu được bà con dựa vào đó để sáng tạo nên những câu thành ngữ, tục ngữ vừa đề cao những đức tính tốt đẹp của loài chó, đúc rút ra những kinh nghiệm trong quá trình chọn chó, nuôi chó, ăn thịt chó, kinh nghiệm trồng trọt, dự đoán thời tiết, vừa có những lời nhận xét, khuyên bảo con người, đồng thời bày tỏ thái độ phê phán, chê bai những thói xấu của con người. Điều quan trọng là mọi người hãy sống sao cho ra giống người, như bà con vẫn nói: “Làm người mới khó, làm chó thì dễ “.
H.V.Q