Nên chọn ngành nào?
Qua nhiều năm tuyển sinh, khối các ngành Y, Dược, Sư phạm vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của thí sinh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây với sự kiện Việt Nam gia nhập WTO nên đã làm rộ lên “phong trào” đầu đơn vào khối các trường kinh tế như ngành Tài chính – Ngân hàng, Kiểm toán, Chứng khoán…
Một số ngành được cho là “hot” trước đây là Công nghệ thông tin, Công nghệ môi trường… lại đang có có xu hướng bão hoà nên nhiều thí sinh đã trở nên “thờ ơ”.
Tuy nhiên, trên thực tế các ngành được cho là “hot” trong thời gian vừa qua lại đang bị “chững lại” trước sự khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Với sự khó khăn này có thể lại đẩy một loạt ngành khác đầy “tiềm năng” lên ngôi.
Như vậy có thể nói xu hướng ngành nào “hot”, ngành nào có “tiềm lực”… sẽ do rất nhiều yếu tố khách quan can thiệp vào. Chính vì vậy việc chọn ngành nghề theo trào lưu sẽ là những lựa chọn “sai lầm” khi mà bạn còn một khoảng thời gian học tập khá dài sau khi trúng tuyển.
Vậy việc chọn ngành nên hình thành từ cơ sở nào để tránh việc nhàm chán khi học, đồng thời lại phát huy được thế mạnh của bản thân? Đáp án của câu hỏi này chỉ vỏn vẹn nằm trong hai từ: “sở thích”.
Sở thích luôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc hướng nghiệp. Nếu không yêu thích, bạn sẽ không có hứng thú trong công việc, từ đó khó mà có được thành công trong cái nghề của mình. Tuy nhiên, bên cạnh sở thích của mình, bạn cần chú ý thật nhiều đến những tố chất cũng như “sở đoản” của bản thân.
Đừng lầm tưởng những cái thật cơ bản như nếu vẽ giỏi thì có thể trở thành kiến trúc sư hay giỏi văn thì sẽ là nhà báo giỏi. Mỗi ngành nghề luôn đòi hỏi người lao động cần có những tố chất nào đó để có thể hoàn thành tốt công việc, bạn hãy chú ý đến những đòi hỏi đó để tránh sai lầm khi chọn cho mình một nghề, một ngành học thích hợp.
Gia đình, thầy cô là những nơi bạn có thể tham vấn thêm để đưa ra quyết định chính xác cho mình.
Thủ thuật chọn trường vừa sức
Sau khi chọn được ngành phù hợp bạn cần phải xác định là muốn học ngành này ở các trường khu vực nào (miền Bắc, miền Trung hay miền Nam). Sau đó bạn liệt kê tất các các trường ở khu vực mình chọn có tuyển sinh ngành mình muốn đăng ký.
Nếu làm thủ công thì làm việc này rất mất thời gian và khó liệt kê đầy đủ nhưng bạn đã có một kho tàng dữ liệu từ cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để thực hiện thao tác này.
Bạn vào website: http://ts.edu.net.vn/tìm đến mục bậc ĐH, CĐ sau đó chọn tìm nguyện vọng. Tại đây chỉ cần khai báo những thông tin mình cần như chọn ngành, chọn khu vực, khối thi… sau đó bấm “tìm kiếm” sẽ có đầy đủ các dữ liệu các trường mà bạn cần.
Sau khi thực hiện được điều trên, bạn cần thống kê điểm thi của khối mình dự thi ở các năm trước đây để biết số lượng thí sinh có mức điểm dao động trong biên độ nào là lớn. Dựa trên cơ sở này thí sinh sẽ kiểm tra được năng lực của mình nên dự thi vào trường nào.
Để thực hiện thao tác này bạn có thể sử dụng chức năng khảo sát điểm thi ĐH, CĐ của công thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ: http://ts.edu.net.vn/?page=1.21
Ngoài ra, bạn cũng cần phải tham khảo thêm điểm chuẩn các năm trước đây của các trường mình muốn chọn. Thí sinh cần phải tự đánh giá được kiến thức của mình và dự kiến mức điểm tối thiểu của mình có thể đạt được ở khối dự thi. Từ đó đối chiếu với các danh mục điểm chuẩn để chọn được trường có mức điểm chênh lệch so với điểm dự kiến đạt được từ 2-3 điểm.
Hiện tại Dân trí đã cập nhật toàn cảnh điểm chuẩn ĐH, CĐ năm 2005, 2006, 2007. Riêng đối với năm 2008, Dân trí sẽ sớm cung cấp cho các bạn thí sinh trong thời gian tới.
Như vậy việc chọn ngành, chọn trường vừa sức sẽ là yếu tố để quyết định bạn có trúng tuyển hay không. Nhưng điều trên hết, với các thao thác như trên bạn sẽ tìm đúng một ngành phù hợp để phát huy khả năng của mình nhưng lại không vượt quá sức học bản thân.
Nguyễn Hùng